Môn Phong Tổ Đình Long Thiền,monphongtodinhlongthien.vn,monphongtodinhlongthien

THỨC TÁI SANH (Kinh Na Tiên Tỳ Kheo Lược Giải) Thích Nguyên Định

Chánh văn
Đức vua hỏi:
- Cái gì dẫn dắt chúng sanh đi tái sanh, thưa đại đức?
- Là danh, sắc, tâu đại vương!
- Nghĩa là danh sắc của con người cũ này sanh trở lại?
- Không phải vậy, tâu đại vương! Chính danh sắc này làm các việc thiện ác; và chính do năng lực của nghiệp thiện ác ấy mà một danh sắc khác kế tục được sanh ra để nhận lãnh quả phước hoặc tội đã tạo tác.
- Nếu danh sắc cũ mà không sanh trở lại, thì đời này làm ác, đời sau đâu có chịu tội báo? Và như thế có nghĩa là mình đã thoát khỏi luân hồi sinh tử sao?
- Không phải vậy, tâu đại vương! Chỉ có người không còn gây nhân thiện ác mới chấm dứt tái sanh, chứ nếu còn gây nhân thiện ác thì sẽ sanh trở lại để thọ nhận quả báo, vòng sinh tử vì thế sẽ tiếp nối mãi không ngừng. Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là mình đấy chứ không phải ai khác.
- Xin đại đức hãy cho ví dụ.
- Ví như kẻ trộm xoài, chủ nhà bắt được quả tang dẫn đến đại vương nhờ xử trị. Bị cáo cãi rằng: "Hạ thần không hái xoài của người ấy. Trái xoài của anh ta trồng hồi trước chỉ là hạt mầm ở dưới gốc còn trái mà hạ thần hái là trái to ở trên cành. Hạ thần không có ăn trộm." Tâu đại vương! Với lý lẽ như thế, đại vương có xử phạt y được không?
- Thưa đại đức, dẫu có ngụy biện hay ho, trẫm vẫn xử phạt tên ăn trộm kia như thường!
- Sao lại thế được? Y đâu có hái cắp trái của người kia trồng đâu mà xử tội, hở đại vương?
- Đành rằng thế, nhưng mà trái cây y hái trộm ấy cũng do từ trái kia sanh ra, nó nẩy mầm, tăng trưởng mà thành. Cho nên người kia cũng không thoát khỏi tội.
Tỳ khưu Na-tiên gật đầu:
- Cũng như thế đó là danh sắc cũ và danh sắc mới, tâu đại vương . Việc tái sanh từ đời này sang đời kia cũng vậy. Các nghiệp thiện ác trong đời giống như đã gieo hạt giống, nẩy mầm, tăng trưởng, mai sau tất có quả báo.
Đức vua Mi-lan-đà cũng gật đầu:
- Trẫm đã hiểu, nhưng xin Đại đức cho một ví dụ nữa.
- Có thể được. Ví dụ có người đốt lửa sưởi ấm bên bờ ruộng, lửa ấy cháy lan sang một đám ruộng, người chủ ruộng bắt dẫn đến đại vương xử trị. Người đốt lửa tâu rằng: "Lửa của hạ thần đốt lên là lửa khác, lửa cháy ruộng ấy là lửa khác, không phải là lửa của hạ thần." Người kia nói lý như vậy, đại vương có bắt tội chăng?
- Dĩ nhiên là bị tội rồi.
- Vì cớ sao, tâu đại vương?
- Vì lửa cháy ruộng ấy cũng do từ lửa anh ta sưởi ấm trên bờ ruộng mà sanh ra, nên y không thể chạy tội được.
- Cũng vậy, ngon lửa trước là danh sắc cũ, ngọn lửa cháy ruộng tức là danh sắc mới, có được cũng từ danh sắc cũ mà ra.
- Xin cho nghe một ví dụ nữa.
- Ví như người đốt đuốc ngoài sân để ăn cơm, vô ý để tàn lửa bay sang đống rơm, lan sang nhà hàng xóm rồi thiêu rụi cả làng. Dân làng bắt y dẫn đến cho đại vương xử tội. Y cãi cố rằng, lửa cháy nhà là lửa khác còn lửa của y là ở nơi bó đuốc dùng để ăn cơm mà thôi! Đại vương có trị tội được y chăng?
- Trị tội được chứ!
- Vì cớ sao?
- Vì lửa cháy nhà có được là do từ lửa nơi bó đuốc của y.
- Cũng như thế đó là ngũ uẩn cũ và ngũ uẩn mới, tâu đại vương! Ngũ uẩn này (danh sắc cũ) tuy đã tắt nhưng cũng bởi nó mà tạo nên ngũ uẩn mới (danh sắc mới).
- Cho nghe một ví dụ nữa.
- Có người đàn ông nạp lễ vật dạm hỏi một cô gái còn nhỏ, đợi lớn lên hẳn cưới, nhưng sau đó ông ta đi làm ăn xa. Cô gái lớn lên, có người đàn ông khác đem lễ vật hậu hỉ đến cưới đem đi. Người đàn ông đi làm ăn xa trở về vác đơn thưa kiện. Người kia cãi rằng: "Vợ cũ của anh chỉ là một cô bé, còn vợ của tôi đây là một thiếu nữ." Vậy thì trường hợp ấy, đại vương xử cho ai thắng?
- Dĩ nhiên là cho người đàn ông trước thắng kiện.
- Tại sao lại như thế?
- Vì thiếu nữ kia cũng từ cô bé mà trưởng thành chứ có phải là người khác đâu.
- Cũng như thế đó là thân này và thân kia, danh sắc cũ và danh sắc mới, tâu đại vương!
- Đại đức còn có ví dụ nào nữa chăng?
- Có thể được, tâu đại vương! Ví như có người đến một chủ nuôi bò mua sữa. Mua xong, anh ta gởi bình sữa lại hẹn lát sau đến lấy, nhưng vì bận việc, hôm sau mới tới lấy sữa. Nhưng sữa đã chua, anh ta bảo rằng, anh không mua sữa chua và yêu cầu chủ bò đổi bình sữa mới. Người chủ bò không chịu, bảo rằng sữa chua là vì để cách đêm chứ không phải là sữa khác. Thế rồi hai người cãi vả nhau. Trường hợp đại vương thì đại vương xử cho ai được kiện?
- Chủ nuôi bò.
- Tại sao?
- Sữa để cách đêm thì nó chua chứ có phải là sữa khác đâu.
- Danh sắc cũ tạo nghiệp thiện ác nên có được danh sắc mới cũng y như thế, tâu đại vương .
- Trẫm hoàn toàn lãnh hội rồi, cảm ơn đại đức!
 
A. Đại ý:
Luận về tái sinh được đề cập rất nhiều trong văn hệ Pali, A-hàm và các nguồn tư liệu sách viết [1] rất rõ ràng và đầy đủ, khiến cho người học, hành giả có một cái nhìn chân xác hơn về giáo lý Phật đà cũng như các tư tương liên quan. Bằng cách lý giải thiết thực dễ hiểu, thầy Na tiên đã dẫn dụ các hiện tượng trong cuộc sống hằng ngày, tưởng chừng như việc này mới diễn ra, dù cách đây hơn 21 thế kỷ về trước. Xoay quanh cuộc luận đàm Phật pháp giữa vua Di lan đà và thầy Na tiên trong chủ đề này bàn về: cái gì dẫn dắt chúng sanh đi tái sinh? khi tái sanh, dùng thân cũ hay thân mới? và cái gì còn, cái gì mất của thân tâm cũ, khi thân tâm mới sanh ra?...  Với cách ngôn của bậc trí tuệ, thầy Na tiên đã làm sáng tỏ các vấn đề trên.
 



B. Nội dung
1. Vấn đề tái sinh
a. Chánh văn
Đức vua hỏi:
- Cái gì dẫn dắt chúng sanh đi tái sanh, thưa đại đức?
- Là danh, sắc, tâu đại vương!
- Nghĩa là danh sắc của con người cũ này sanh trở lại?
- Không phải vậy, tâu đại vương! Chính danh sắc này làm các việc thiện ác; và chính do năng lực của nghiệp thiện ác ấy mà một danh sắc khác kế tục được sanh ra để nhận lãnh quả phước hoặc tội đã tạo tác.
- Nếu danh sắc cũ mà không sanh trở lại, thì đời này làm ác, đời sau đâu có chịu tội báo? Và như thế có nghĩa là mình đã thoát khỏi luân hồi sinh tử sao?
- Không phải vậy, tâu đại vương! Chỉ có người không còn gây nhân thiện ác mới chấm dứt tái sanh, chứ nếu còn gây nhân thiện ác thì sẽ sanh trở lại để thọ nhận quả báo, vòng sinh tử vì thế sẽ tiếp nối mãi không ngừng. Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là mình đấy chứ không phải ai khác.
b. Lược giải
Vấn đề tái sinh hay tái sanh (s. punarbhava, p. punabbhava, t. tulkus, e. reborn), trong ngôn ngữ tiếng Anh gọi là re-born, “re” có nghĩa là lại; còn “born” là sanh ra, ra đời, vậy re-born nghĩa là sanh trở lại.  Tư tưởng Phật giáo cho rằng, nghiệp (s. karma, p. kamma) của một con người sẽ dẫn dắt đến một cuộc sống mới sau khi chết, trong một vòng không bao giờ chấm dứt gọi là luân hồi (s. saṃsāra). Vòng luân hồi này được xem là khổ (p. dukkha), không thỏa mãn và đau đớn, phiền thân não tâm. Vòng luân hồi chỉ dừng lại nếu đạt được giải thoát bằng giác ngộ và đoạn tận tham, sân, si và tu trì giới, định, tuệ. Tái sinh là một trong những học thuyết quan trọng của Phật giáo, cùng với nghiệp, niết bàn (s. nirvana) và giải thoát (s. moksha).
Học thuyết tái sinh trong Phật giáo xác nhận không nhất định phải thành một con người, mà có thể tái sinh vào một trong sáu cõi (gati) đó là: Thiên (deva), A-tu-la (asura), Nhân (manusya), Súc sanh (tiryak), Ngạ quỷ (preta), và Địa ngục (naraka).[2] Theo những truyền thống Phật giáo thì sự tái sinh này được quyết định bởi nghiệp lực, với thiện nghiệp (kushala) thì sinh vào cõi tốt lành, và ác nghiệp (akushala) thì bị sinh vào cõi xấu. Trong kinh Địa tạng, chỉ rõ về phương pháp hồi hướng phước lành cho người còn kẻ mất, nhờ đó con người có thể tái sinh vào cõi thiện và tránh tái sinh vào cõi ác.
Theo Phật giáo Nam truyền, 1 chúng sanh con người sau khi thân hoại mạng chung thì tái sanh liền tức khắc, gọi là tái sinh tương tục và đây cũng là quan điểm của thầy Na tiên trả lời cho vua Di la đà. Đoạn: “...và chính do năng lực của nghiệp thiện ác ấy mà một danh sắc khác kế tục được sanh ra để nhận lãnh quả phước hoặc tội đã tạo tác.”
Theo Phật giáo Bắc truyền, như Phật giáo Trung hoa, Tây tạng cho rằng, con người sau khi chết, trong thời gian 49 ngày thần thức con người đó tái sinh nhanh hay chậm, phụ thuộc vào phước báu lành hay nghiệp dữ mà hiện đời người đó tạo ra, có thể sinh vào các cảnh giới (1 trong 6 cảnh giới đã nói trên). Đồng thời cần nhờ sự giúp đỡ của người thân làm việc phước đức như bố thí cúng dường, phóng sanh... để đem công đức đó hồi hướng cho người quá cố, nhưng theo Kinh Địa tạng, công đức mà người thân còn sống làm đó, khi hồi hướng cho người chết chỉ hưởng 1 phần 7 công đức mà thôi, nghĩa là trong 7 phần công đức thì người chết chỉ hưởng được 1 phần, 6 phần còn lại sẽ thuộc về người làm công đức đó.
Vấn đề tái sanh được nêu lên nhiều lần trong quyển Na tiên Tỳ kheo. Trong bản Đại chánh, chúng ta thấy vua Di lan đà đã nêu vấn đề nầy tất cả 14 lần, còn các bản dịch như: Cao Hữu Đính, gồm 11 lần - các tiểu mục số 6/8/9/10/11/13/14/15/16/17/36; Đoàn Trung Còn: quyển thượng - tiểu mục số 2/10/11/12, quyển trung - tiểu mục số 2/3/4, quyển hạ - tiểu  mục số 2. H. T Giới Nghiêm dịch: nêu lên 13 lần - các tiểu mục số 16/17/21/22/23/24/25/26/27/57/74/75/76. Bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Pesala, được nhắc đến 9 lần. Như vậy các tiểu mục đc đề cập mỗi lần với một khía cạnh khác và rải rác khắp quyển kinh. Đó là 1 vài điểm so sánh trong các bản dịch, tuy nhiên con số chênh lệch này cũng không làm ảnh hưởng gì, không giảm phần quan trọng của cuộc luận đàm. 
Căn cứ theo lời tuyên bố của đức Phật, khi Ngài giác ngộ, đã trải qua nhiều giai đoạn của sự tỉnh thức, nhớ lại những đời quá khứ. Ngài kể lại kinh nghiệm của sự chứng ngộ ấy rằng: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.”[3]
Như vậy, bằng sự chứng ngộ đức Phật đã thấy rõ được nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng vô số kiếp trải qua nhiều lần tái sinh trong các hoàn cảnh. Đây là 1 điều minh chứng trong nhiều kiếp sống tái sinh của con người. Nhưng nói về tái sinh thì “cái gì dẫn dắt chúng sanh đi tái sinh”, đây chính là thắc mắc nghi vấn lớn của vua Di lan đà. Để hóa giải mối hoài nghi đó, thầy Na tiên phúc đáp: “là danh sắc, tâu đại vương”, tức là chỉ cho thân thể và tâm thức (ngũ uẩn) đi tái sinh, chỗ này thầy Na tiên trả lời một cách rất ngắn ngọn, dễ gây hiểu lầm ngộ nhận vấn đề, cho nên, vua hỏi lại thầy Na tiên: nghĩa là danh sắc của con người cũ này sanh trở lại?” chỗ này khiến thầy Na tiên phải giải thích rõ thêm lần nữa, đó là: Không phải vậy, tâu đại vương! Chính danh sắc này làm các việc thiện ác; và chính do năng lực của nghiệp thiện ác ấy mà một danh sắc khác kế tục được sanh ra để nhận lãnh quả phước hoặc tội đã tạo tác.” Lời giải thích này nói về tính tương tục của tâm thức, theo quan điểm Phật giáo, luận cứ về xác nhận có tái sinh là dựa trên một hiểu biết sâu xa về tâm tương tục. Vậy, tâm thức từ đâu đến? Nó không thể không từ đâu mà khởi lên. Mỗi sát na tâm không thể khởi nếu không có sát na tâm đi trước nó. Điều này khi chúng ta quan sát trên biển, ví như, nếu không có con sóng trước thì con sóng sau cũng không, bởi vì có con sóng trước nên có con sóng sau nối tiếp. Cũng vậy, trong tâm thức của chúng ta khi niệm sau sanh thì niệm trước diệt hay niệm này sanh ra thì niệm kia diệt mất, chúng tạo thành niệm niệm tương tục triển chuyển tiếp nối nhau mãi không dừng, vẽ nên một vòng tròn khép kín (12 nhân duyên).
Xoay quanh nghiệp thiện và nghiệp ác, nếu như trong đời hiện tại này, 1 người làm việc phước thiện thông qua sự bố thố, cúng dường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, tạo các điều kiện phương tiện thuận lợi, xây cầu đường, từ thiện.v.v... hay làm điều bất thiện (ngược lại việc làm thiện) thì gieo 1 cái nhân, 1 dấu ấn, để rồi trong kiếp lai sinh đương thể đó thọ nhận kết quả tương ứng theo nghiệp nhân đã tạo. Đây đc xem là tính chất của nhân quả tương tục.
Trong cách trả lời của thầy Na tiên, danh sắc đời này làm nhân để đời sau danh sắc khác nhận quả, đã làm cho vua có điều chưa hiểu rõ lời phúc đáp của vấn đề, đã khiến cho vua Milinda có 1 ý nghĩ quay ngược lại tình thế trong vấn ngôn: “Nếu danh sắc cũ mà không sanh trở lại, thì đời này làm ác, đời sau đâu có chịu tội báo? Và như thế có nghĩa là mình đã thoát khỏi luân hồi sinh tử sao?” Câu hỏi trên cho chúng ta thấy, nếu thầy Na tiên bảo rằng, danh sắc (thân-tâm) trong đời hiện tại này làm nhân, rồi sau khi qua đời, thì đời kế tiếp tái sinh trở lại vào cảnh giàu sang hay nghèo hèn cơ cực... là tất cả đều phụ thuộc vào tác nhân mà đương thể đã gây tạo trước đó, tức là xoay chuyển trong vòng luân hồi. Vậy thì, ở đây thử đặt vấn đề, nếu danh sắc cũ mà không sanh trở lại, thì đời này làm ác, đời sau đâu có chịu tội báo? Bởi vì danh sắc cũ còn tái sinh nữa đâu mà chịu! Điều này cũng đồng nghĩa là đương thể đó đã thoát khỏi luân hồi sinh tử rồi? và đây cũng là quan điểm lập ngôn của vua Di lan đà nêu ra.
Để giải mở những hoài nghi của vua Di lan đà, thầy Na tiên đã phân tích cặn kẽ rõ ràng về hai luận điểm: Thứ nhất, như thế nào gọi là chấm dứt đoạn tận sự tái sinh? Thứ hai, nguyên do gì mà còn phải tái sinh?
Đoạn trả lời của thầy Na tiên cho vua Di lan đà về hai luận điểm trên: “Không phải vậy, tâu đại vương! Chỉ có người không còn gây nhân thiện ác mới chấm dứt tái sanh, chứ nếu còn gây nhân thiện ác thì sẽ sanh trở lại để thọ nhận quả báo, vòng sinh tử vì thế sẽ tiếp nối mãi không ngừng. Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là mình đấy chứ không phải ai khác.”
Lần lượt chúng ta hiểu về 2 luận điểm này, sở dĩ con người tái sinh, nghĩa là còn triển chuyển vào 1 trong 6 nẻo luân hồi, là do lòng tham ái (p. taṇhā) và chấp thủ (p. upādāna), sự quyến luyến, bám víu vào 1 cái gì đó mà trong đời chưa thực hiện thỏa nguyện đc, nhưng đến giờ phút gọi là sanh ly tử biệt, khi trút hơi thở cuối cùng, cũng có nghĩa sự sống đến đây tạm thời khép lại, thì lúc này phần thức (tâm) là đầu mối dẫn dắt để tái sinh tiếp tục 1 đời sống mới khác. Nói về tham ái thì có 3 loại, đó là dục ái (p. kama tanha), hữu ái (p. bhava tanha) và vô hữu ái (p. vibhava tanha). Ba loại tham ái nầy chính là nguồn gốc của tái sinh. Thật ra, tham ái chính là tái sinh. Đối với những chúng sinh, con người chưa giác ngộ, nghĩa là những người không tỉnh thức, không hiểu sự thật và không chánh niệm thì tiến trình tái sinh sẽ liên tục tiếp diễn. Nó tiếp tục diễn ra trong thế giới của cảm giác, cảnh giới của những khoái lạc thuộc về giác quan con người. Trong 12 nhân duyên (12 mắc xích sự sống) 3 chi phần ái, thủ, hữu là nhân ở hiện tại, và quả ở vị lai là sanh, lão tử.
Cũng theo giáo lý Duyên khởi, chúng ta hiểu trong thực tại không có cái gì gọi là 1 con người hay 1 thực thể thường hằng nào cả, mà chúng do các duyên, uẩn hợp lại cái gọi là con người hay 1 đương thể nào đó, thường gọi “giả chúng duyên nhi cộng thành”. Ngay cả trong cuộc sống từ lúc khởi đầu cho đến khi chết, những quá trình danh sắc luôn khởi sinh và mất đi, sinh diệt liên tục và liên tục như vậy. Cái chết là sự diệt của thức cuối cùng và cùng lúc với sự tàn hoại của danh sắc, tái sinh lập tức xảy ra, khởi sinh 1 thức mới, gọi là Thức tái sinh (p. paṭisandhi viññāṇa) cùng với danh sắc mới. Đây là lập luận của thầy Na tiên “Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là mình đấy chứ không phải ai khác.” Hay nói khác, sự khởi sinh Thức tái sinh là do duyên hay sự xúc tiến của nghiệp cuối cùng khi chết, nghĩa là, chính nghiệp cuối cùng trước khi chết là nhân duyên làm khởi sinh Thức tái sinh. Nếu đương thể trong hiện đời tạo nhiều nghiệp lành thì sự tái sinh sẽ diễn ra ở cuộc sống sung túc an lành hạnh phúc, còn ngược lại chịu cảnh khổ sở, thiếu thốn. Điều này chính là ý nghĩa mà đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh được sanh ra từ chính nghiệp của mình.” =>Trên là giải thích về nguyên do gì mà còn phải tái sinh?
Bây giờ chúng ta y theo lời của thầy Na tiên để thấy được như thế nào gọi là chấm dứt đoạn tận sự tái sinh? Trong một câu trả lời khác thầy Na tiên đáp: “Ai tự biết mình k còn ân ái, k còn tham dục, k có dụng tâm làm điều dữ, người đó tự biết chắc k còn tái sinh trên cõi đời này nữa. [4] Như vậy, đối với 1 người không còn tái sinh nữa, nghĩa là người đó đã đoạn tận, chấm dứt, xa lìa vô minh và tham ái, làm chủ được vòng tròn sự sống luân hồi, điều này ví như 1 người vô tình (do thiếu hiểu biết/ vô minh) bị rơi xuống hầm phẩn, nhơ nhớp, xú uế, nhưng may mắn thay, được người khác (người trí) cứu vớt lên tắm rửa, trang phục đẹp đẽ thơm tho, rồi bảo người đó -hãy nhảy xuống hầm phẩn thêm lần nữa đi, thì thử hỏi có dám nhảy hay không? => ngụ ý rằng, người này đi từ bóng tối ra chỗ sáng, thoát ra từ cõi phàm phu ngu muội lên ngồi ghế Thánh vị A-la-hán. Cũng vậy, trong con đường tu tập giải thoát,  đối với 1 bậc Thánh giả A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc rồi, thì không cớ gì còn bị tái sinh nữa, bởi vì “sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”[5] Cùng với ý nghĩa đó, trong suốt 7 tuần lễ, Bồ tát Tất-đạt-đa (đức Phật) đã tư duy Thiền định bên cội bồ đề, đến thời khắc giác ngộ, đức Phật đã tuyên ngôn bằng bài ca Khải hoàn, đc xưng tụng trong kinh Pháp cú:[6] “Lang thang bao kiếp sống, Ta tìm nhưng chẳng gặp, Người xây dựng nhà này, Khổ thay phải tái sanh!”
“Ôi! Người làm nhà kia! Nay ta đã thấy ngươi! Ngươi không làm nhà nữa. Đòn tay ngươi bị gãy, Kèo cột ngươi bị tạn. Tâm ta đạt tịch diệt, Tham ái thảy tiêu vong.”
Tuy nhiên, vấn đề tái sinh, chúng ta phải hiểu, chớ nên ngộ nhận đáng tiếc hay đánh đồng các quan điểm, đó là đối với Bồ tát vào đời bằng sự phát tâm lành, hạnh nguyện cứu độ chúng sanh thoát kiếp mê lầm, gọi là hạnh nguyện độ sanh hay nguyện lực. Như hạnh nguyện hóa thân của Bồ tát Quán thế âm, [7] lời thệ nguyện của Bồ tát Địa tạng “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề” (Địa ngục chưa trống rỗng thệ không thành Phật, chúng sinh độ hết mới chứng Bồ đề), còn chúng sanh sở dĩ có mặt trong cuộc đời này là do nghiệp dẫn dắt chi phối, gọi là nghiệp lực chiêu cảm.
Trong ngữ cảnh cuộc luận đạo trên, danh sắc cũ và danh sắc mới được ví như ngọn đèn canh đầu và canh cuối là chỉ cho 1 ngọn đèn chứ không phải đèn nào khác, hiện tượng tái sinh cũng giống như vậy, khi hiện tượng này khởi lên và hiện tượng kia chấm dứt, hai cái đồng thời. Bởi thế tâm đầu tiên khởi lên trong đời sống mới không phải một cũng không phải khác với tâm cuối cùng trong đời trước. Ý nghĩa này được thầy Na tiên dẫn một loạt năm thí dụ cụ thể để chứng minh một cách gián tiếp: căn bản của việc tái sanh, chính là vì thân tâm (danh sắc) đời nầy làm các điều thiện ác, cho nên phải tái sanh trở lại. Năm thí dụ đó là: (1) ví như kẻ trộm xoài; (2) đốt lửa sưởi ấm; (3) đốt đuốc ăn cơm; (4) nạp lễ vật cưới vợ; (5) sữa chua.
Ngang đây, luận về vấn đề tái sinh trong Phật giáo là 1 phạm trù rất rộng, tuy nhiên theo tư tưởng chủ đạo trong kinh Na tiên giữa năng vấn (người hỏi - vua Di lan đà) và sở vấn (người được hỏi - thầy Na tiên), cũng đủ làm sáng tỏ giải mở những hoài nghi uẩn khúc trong tâm. Bên cạnh đó, có 1 vài điều đối với người học cũng nên thận trọng và cân nhắc đó là: (a) không có 1 linh hồn (ngã) nào rời khỏi thể xác và chui vào thể xác mới. Bởi vì sao? Vì nếu tin hay cho rằng có sự di chuyển linh hồn vào thân xác khác, thì khác nào linh hồn đó bất biến bất tử hay sao? Quan điểm sai lầm này gọi là chấp thường. (b) khi những hành động tạo nghiệp là khởi nguồn từ vô minhtham ái mà tạo ra, chúng sanh chưa đoạn trừ những lậu hoặc phiễn não nhiễm ô này sẽ tiếp tục tích lũy nghiệp hay mang nghiệp gọi là nghiệp hữu (p. kamma-bhava)[8] tiếp tục chịu tái sinh sau khi chết. Nếu không hiểu rõ điều này thì dễ lạc vào theo kiểu tin là sự sống bị hủy diệt hoàn toàn hay không còn gì nữa sau khi chết, mà các nhà duy vật hiện đại đã mắc phải, quan điểm sai lầm này gọi là chấp đoạn.

2. Những quan điểm tái sinh
a. Tái sinh xảy ra như thế nào?
Có hai cách mà ở đó người ta có thể tái sinh sau khi chết: (a) tái sinh dưới sự tác động của nghiệp và  những cảm xúc tiêu cực; (b) tái sinh ngang qua năng lực từ bi và thệ nguyện. Về cái đầu, do vì vô minh và tham ái, nghiệp tích cực và tiêu cực được tạo tác và những dấu vết của chúng lưu giữ trong thức (a lại da thức). Những thứ này được kích hoạt lại thông qua tham ái và chấp thủ, thúc đẩy triển chuyển ta vào đời sống kế tiếp. Chúng ta theo đó tái sinh không chủ tâm vào những cảnh giới thấp hoặc cao (1 trong 6 nẻo luân hồi). Đây là cách những chúng sanh thông thường trôi lăn không ngừng ngang qua sự hiện hữu giống như sự xoay vần của một bánh xe. Cho dù ở trong những tình cảnh như vậy, người thông thường vẫn có thể tinh tấn dấn thân với một khát vọng tích cực hành thiện trong đời sống hàng ngày của họ. Họ tự làm quen với đức hạnh mà vào lúc chết nó có thể đem lại phương tiện cho họ có sự tái sinh vào cảnh giới hiện hữu cao hơn. Trong khi đó, những bậc Bồ-tát, những người đã đạt đạo, không còn tái sinh qua hành nghiệp và những cảm xúc tiêu cực của họ, mà do sức mạnh của từ bi đối với chúng sanh và được đặt cơ sở trên thệ nguyện làm lợi ích cho tha nhân. Họ có thể chọn nơi chốn và thời gian tái sinh cũng như cha mẹ tương lai của họ. Một sự tái sinh như vậy, mà nó cốt yếu vì lợi ích của kẻ khác, là tái sinh bằng năng lực từ bi và thệ nguyện. (như đã trình bình bày về thệ nguyện của chư Bồ tát trong phần trên).

b. Theo Phật giáo Tây tạng
Hầu hết người Tây Tạng đã tin vào đời sống quá khứ và tương lai, trong các tông phái lớn Phật giáo Tây Tạng như: Nyingmapa, Kagyupa, Sakyapa và Gelugpa đã thừa nhận truyền thống tái sinh này gọi là “tulkus”, được bắt đầu từ thế kỷ XIII và tiếp tục đến ngày nay. Khi một bậc thầy đắc đạo viên tịch, vị ấy có thể để lại những chỉ dẫn rõ ràng về nơi chốn sẽ tái sinh. Có nghĩa là khi vị Lạt-ma thứ nhất viên tịch, Ngài phát nguyện sau khi xả bỏ báo thân này sẽ tiếp tục tái sinh để hoàn thành sứ mệnh trong kiếp lai sinh. Trong lúc tẫn liệm (nhập kim quan) các đệ tử của đức Đạt-lai Lạt-ma đã sắp xếp những đồ dùng thường nhật của Ngài và an trí chôn cất cùng với thầy của mình. Hai năm sau đó, họ bắt đầu tìm kiếm nơi tái sinh của vị Đạt-lai Lạt-ma được xác định bởi một hài nhi khoảng hai tuổi ở vùng Tsang,[9] người từ khi vừa bập bẹ biết nói đã yêu cầu cha mẹ gọi mình bằng cái tên của Đạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất. Hài nhi đó chỉ ra những món đồ của Đạt-lai Lạt-ma đời trước trong số các món đồ được trộn lẫn (xâu chuỗi hoặc bất kỳ một di vật nào đó). Đây là một phương pháp đặc thù trong Phật giáo Tây Tạng, khi vị Lạt-ma chọn cách thức nhập thể tái sinh.
Mục đích của truyền thống này là bảo đảm ký ức tuệ giác của những bậc thầy đã chứng ngộ khỏi tan mất. Điều quan trọng nhất về đời một vị tái sinh là trong quá trình huấn luyện Bản lai diện mục (Phật tánh, chơn như, viên giác tánh, như lai tàng tánh) và đấy là dấu hiệu chứng tỏ “thứ thiệt”. Chẳng hạn đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV được tôn kính bởi tất cả Phật tử như là nhập thể của Bồ tát Quán thế âm, vị Bồ tát của lòng bi mẫn bao la, thừa nhận Ngài có thể hiểu dễ dàng từ lúc tuổi còn rất nhỏ, những khía cạnh thâm áo của giáo lý Phật đà mà người ta cần phải nhiều năm mới hiểu được.
Nuôi dưỡng những vị tái sinh cần sự cẩn thận tối đa. Ngay cả trước khi sự huấn luyện bắt đầu, cha mẹ được chỉ dẫn phải đặc biệt chăm sóc những vị ấy. Sự huấn luyện những vị tái sanh rất nghiêm túc kỹ lưỡng hơn huấn luyện tu sĩ thường, vì những triển vọng mà người ta chờ đợi ở các vị ấy. Đôi khi họ nhớ những đời trước, hoặc chứng tỏ những khả năng lạ lùng. Như Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV đã nói: “Chuyện thông thường là những trẻ tái sanh nhớ được những vật và người từ những đời trước. Một vài trẻ còn có thể thuộc những kinh chưa được ai dạy.”

c. Theo Ấn độ giáo
Thuyết tái sinh theo Ấn Độ giáo là dựa trên nền tảng linh hồn tồn tại (s. ātman, attā), coi linh hồn là bản chất vĩnh cửu thường hằng bất biến của một sinh vật, nó không thể bị phá hủy và cũng không được tạo ra, trong các truyền thống hữu thần cũng như phi hữu thần, linh hồn được khẳng định là đồng nhất với Brahman (đại ngã), là tối thượng, có nghĩa Ātman hòa đồng với brahman (tiểu ngã hòa nhập cùng đại ngã). Người Ấn giáo còn tin rằng, khi linh hồn cái chết rời khỏi cơ thể cũ và đi vào một cơ thể mới, và một sự tái sinh mới được diễn ra, cứ như thế quá trình tương tự lặp đi lặp lại.

C. Kết luận
Kinh thành Sagala cách đây hơn 21 thế kỷ về trước, đã vang rền tiếng trống pháp trong cuộc đàm thoại giữa vua Di lan đà và Tỳ kheo Na tiên, xoay quanh chủ đề lần này bàn về con người sau khi chết - cái gì dẫn dắt đi tái sinh? tưởng không cần phải lặp lại, ngang đây chúng ta nên hiểu rằng: danh thân con người hiện hữu đời này là nghiệp quả của những gì thiện hay bất thiện mà nghiệp nhân quá khứ đã tạo nên, và trong đời sống hiện tại này chúng ta đang gieo nhân (lành hay bất thiện) gì, để trong tương lai sẽ gặt hái kết quả tương thích đó, như lời đức Phật dạy: “Hiện tại ta là những gì trong quá khứ ta đã từng là, và tương lai ta sẽ là gì tùy thuộc vào hiện tại ta làm gì.” Ngài Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) cũng nói: “Muốn biết đời quá khứ, hãy nhìn tình trạng hiện tại của bạn; muốn biết đời vị lai, hãy nhìn những hành động hiện tại.” Cho nên, con người sau khi chết, phần sắc (thân) bị phân huỷ thành chất mới, cùng lúc phần danh (thức) sẽ tiếp tục hoạt động hoặc chuyển hoá thành dạng năng lượng khác, đúng như định luật bảo toàn và chuyển hoá năng lượng đã chứng minh: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác mà thôi.” Mong rằng người học chúng ta cần nên suy ngẫm vấn đề này.

Tài liệu tham khảo:
1- 大正新脩大正藏經 Vol. 32, No. 1670B. 那先比丘經卷中
2- HT Giới Nghiêm (việt dịch), Mi Tiên Vấn Đáp, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2003.
3- Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng) (dịch), Milinda vấn đạo, Nxb Ajith Printers (Pvt) Ltd, 2001.
4- Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (hiệu đính),Kinh Tỳ-Kheo Na-Tiên, Nxb Tôn giáo Hà nội, 2009.
5- Cao Hữu Đính (soạn dịch), Kinh Na-Tiên Tỳ Kheo, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo 2000.
6- Bhikkhu Pesala, The Debate of King Milinda, published by Motilal Banarsidass, Delhi, 1998.
 
Chú thích:
[1] Xem thêm Trung Bộ Kinh, 56-Kinh Ưu-ba-ly; 57-Kinh Hạnh con chó; 136-Ðại kinh Nghiệp phân biệt. Tương Ưng Bộ Kinh, 36, 21-Sìvaka; 42, 8-Vỏ ốc. “The Buddhist Doctrine of Kamma and Rebirth” (Học thuyết Phật giáo về Nghiệp và Tái sinh), tác giả Đại Trưởng lão Narada Maha Thera. Chết và tái sinh, Thích Nguyên Tạng (soạn dịch). Tạng thư sống chết, Thích Nữ Trí Hải (dịch).
[2] Xem Trung Bộ Kinh, 130-Kinh Thiên sứ (Devadùta sutta).
[3]  Trung Bộ Kinh, 36 - Ðại kinh Saccaka (Mahàsaccaka sutta).
[4]  Cao Hữu Đính (soạn dịch), 9 - Tự biết hết tái sanh, tr. 56.
[5]  Trung Bộ Kinh, 112 - Kinh Sáu Thanh tịnh (Chabbisodhana sutta).
[6] Kinh Pháp Cú, kệ 153, 154.
[7]  Xem Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thứ 25.
[8] Nghiệp hữu, “Hữu” là 1 trong 12 nhân duyên, Thủ duyên Hữu là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới. Hữu có nghĩa là do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu. Đó là yếu tố làm điều kiện hay nguyên nhân gây ra tái sanh về sau.
[9] Tsang là một trong ba tỉnh truyền thống của Tây Tạng, hai tỉnh kia là Amdo và Kham.

 

 

Các tin khác

Nghe nhiều

Lịch

THỐNG KÊ

Đang truy cập 3
Hôm nay 63
Hôm qua 115
Trong tuần 634
Trong tháng 63
Tổng truy cập 2218427